Trả lời VnExpress,ềukháchđoànViệttrượtvisaTrungQuốcdịpTuầnlễvàrikvip ông Xuân Minh, giám đốc một công ty lữ hành chuyên mảng outbound (du lịch nước ngoài), nói công ty có một đoàn khách du lịch 30 người bị phía Trung Quốc đánh trượt visa.
Đoàn dự định đi tuyến Thượng Hải - Hàng Châu - Tô Châu - Ô Chấn - Bắc Kinh, khởi hành ngày 13/10 từ Hà Nội. Sáng 2/10, khi nhận được kết quả trượt visa cả đoàn, ông Minh bất ngờ vì đã tính toán trước, tránh khởi hành vào Tuần lễ vàng, kỳ nghỉ quan trọng nhất ở Trung Quốc trong năm, năm nay kéo dài 8 ngày từ 29/9 đến 6/10, hơn thường lệ một ngày do Trung thu và quốc khánh sát nhau.
"Chúng tôi mất cọc cho hãng hàng không, tiền xin visa đoàn cho khách và chi phí quảng cáo tour", ông Minh nói và cho rằng lý do chủ yếu khiến đoàn bị "đánh trượt" là thời điểm làm visa sát Tuần lễ vàng.
Có kinh nghiệm làm sản phẩm du lịch Trung Quốc từ năm 2016 nên ông Minh hiểu Tuần lễ vàng luôn là thời điểm "nhạy cảm" để xin visa đoàn du lịch Trung Quốc. Tuy nhiên, công ty vẫn bán tour bởi đối tác phía Trung Quốc thông tin rằng visa cho đoàn khách vẫn được cấp bình thường và dịch vụ không bị xáo trộn nhiều.
Tương tự, ông Thanh Tùng, giám đốc truyền thông của một công ty lữ hành có trụ sở tại Hà Nội, cho biết công ty cũng "bị đánh trượt" một đoàn đi tuyến Thượng Hải - Hàng Châu - Tô Châu - Ô Chấn - Bắc Kinh, khởi hành từ Hà Nội dịp Tuần lễ vàng.
Tuy bị đánh trượt visa đoàn, công ty chuyển sang xin visa lẻ (visa dán) và đã thành công nên đoàn khởi hành đúng lịch. Tuy nhiên, mỗi du khách phải đóng thêm khoản phí chênh lệch khi xin visa dán. Thông thường, giá xin visa đoàn khoảng 30-60 USD mỗi khách còn visa dán là 120-125 USD mỗi khách.
"Phía Trung Quốc không đánh trượt toàn bộ hồ sơ xin visa đoàn dịp Tuần lễ vàng. Họ chỉ không nhận khách ở một số cửa khẩu, một số điểm yêu cầu phải làm visa dán như Lệ Giang, Bắc Kinh", ông Tùng nói.
Ông Tùng cho biết trong một số dịp trước đây (tuần lễ vàng, duyệt binh, kỷ niệm quốc khánh Trung Quốc), công ty thường nhận được thông báo từ đối tác hoặc nguồn tin riêng về việc "hạn chế xin visa vào giai đoạn nhạy cảm". Sau thời gian này, mọi việc trở lại bình thường. Tuy nhiên, năm nay công ty của ông Tùng không nhận được thông báo nên đã hiểu rằng việc xin visa không gặp trở ngại.
Vietluxtour cho biết có 4 đoàn đi Trung Quốc trong tháng 10. Trong số này, lịch trình của một đoàn 20 khách đi Phượng Hoàng Cổ Trấn sẽ bị cắt ngắn vài ngày trùng Tuần lễ vàng dù đoàn vẫn được cấp visa. Đại diện công ty cho biết họ được đối tác thông tin các đoàn nhập cảnh Thượng Hải cần chuẩn bị thủ tục làm visa sớm hơn và "có khả năng bị xét duyệt chặt hơn".
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc AZA Travel, cho rằng có ba dịp lễ lớn các công ty lữ hành cần tránh đưa khách đến Trung Quốc là quốc tế lao động, quốc khánh và Tết Nguyên đán. Trong ba dịp này, quốc khánh là thời gian "nhạy cảm" và nên tránh xin visa, tổ chức đoàn đi. Với hai dịp còn lại, các công ty vẫn có thể xin visa thành công cho đoàn nếu chuẩn bị sớm.
"Tôi nghĩ có ba trường hợp khiến một công ty vẫn tổ chức tour đến Trung Quốc dịp Tuần lễ vàng. Thứ nhất là thiếu kinh nghiệm, thứ hai là liều và thứ ba là lỡ ôm vé máy bay nhưng không chú ý ngày", ông Đạt nói.
Theo ghi nhận của VnExpress, các công ty lữ hành có đoàn đi Trung Quốc trong tháng 10 đều chuẩn bị thủ tục visa sớm hơn do thời gian chờ kết quả kéo dài, khoảng 20 ngày (bình thường khoảng 7 ngày). Ngoài Tuần lễ vàng, Trung Quốc còn có một sự kiện lớn trong dịp này là Canton Fair, Hội chợ thương mại thường niên lớn nhất nước được tổ chức tại Quảng Châu từ 15/10 đến 4/11.
Không riêng các tour đi theo hộ chiếu và visa, những tour Trung Quốc theo dạng sổ thông hành cũng đang "tạm nghỉ". Bà Hoàng Tuyết, Giám đốc Top One Travel, chuyên khai thác tuyến Hà Khẩu - Kiến Thủy - Bình Biên - Mông Tự, nói đã tạm dừng bán tour này trong 8 ngày Tuần lễ vàng và chỉ mở lại sau 6/10. Giá dịch vụ du lịch tại Trung Quốc dịp Tuần lễ vàng có thể tăng gấp ba lần trong khi nhân sự của đối tác không đảm bảo.
Bà Tuyết nói một số ít đơn vị vẫn chạy tour Trung Quốc theo sổ thông hành do đã đặt dịch vụ trước nhiều tháng và số tiền phụ thu dịp lễ mỗi khách khoảng 500.000 đồng thay vì gấp ba lần nếu đặt sát lễ. Tuy nhiên, các đơn vị cũng chỉ dẫn tour hết giai đoạn Trung thu và đã đưa khách rời khỏi Trung Quốc trong ngày 1/10, quốc khánh Trung Quốc.
Tuần lễ vàng lần này là kỳ nghỉ dài nhất ở Trung Quốc từ khi các hạn chế du lịch liên quan đến đại dịch được gỡ bỏ hồi tháng 12 năm ngoái. Theo Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc, 21 triệu khách dự kiến di chuyển bằng đường hàng không trong dịp nghỉ lễ với hơn 17.000 chuyến bay mỗi ngày, khoảng 80% bay nội địa.
Đại diện một số đơn vị lữ hành nhận định lượng khách nội địa quá đông cũng là lý do khiến khách nước ngoài "ít cơ hội" tới Trung Quốc dịp Tuần lễ vàng.
Tú Nguyễn